Kính thưa toàn thể nhân dân!
Nhân dịp kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng xã Đại Hợp đầu tiên, Ban Tuyên giáo Đảng ủy xã gửi cho đài chúng tôi bài tuyên truyền kỷ niệm 67 năm ngày thành lập Chi bộ Đảng xã Đại Hợp đầu tiên (10/6/1956 - 10/6/2023). Mời quý vị và các bạn đón nghe.
Nhân dân Đại Hợp từ xưa đến nay luôn có truyền thống yêu nước, dũng cảm trong chiến tranh chống thiên tai, địch họa, cần cù trong lao động sản xuất, hiếu học, có nhiều đóng góp vào quá trình xây dựng và bảo vệ quê hương, đất nước.
Xã Đại Hợp ngày nay trước cách mạng tháng Tám năm 1945 là 2 xã Báo Đáp và Quảng Bí thuộc tổng Ngọc Lâm huyện Tứ Kỳ, Tỉnh Hải Dương, năm 1946 theo Quyết định của cấp trên, Xã Báo Đáp cùng với xã Nghi Khê và Ngọc Lâm lập thành xã Duy Tân. Xã Quảng Bí đổi tên là thôn Quảng Giang sáp nhập với xã An Nghiệp lập thành xã Quảng Nghiệp. Tháng 6 năm 1956 theo Quyết định của Chính Phủ; xã Đại Hợp được thành lập gồm 3 thôn Báo Đáp, Độ Trung và Quảng Giang.
Những năm trước cách mạng tháng 8 năm 1945 dưới chế độ thống trị của đế quốc phong kiến, nhân dân bị áp bức bóc lột nặng nề, đời sống vô cùng khổ cực, ruộng đất phần lớn tập trung vào một số địa chủ, phú nông, một phần nữa là ruộng công điền công thổ, nông dân lao động có rất ít hoặc không có ruộng đất, phải đi cấy rẽ đổ tô hoặc làm thuê cho nhà giàu, cả xã có 128 người không có ruộng đất phải rời bỏ quê hương tha phương cầu thực đi các nơi kiếm ăn.
Khi chiến tranh thế giới lần thứ 2 bùng nổ Phát xít Nhật nhảy vào Đông Dương thay thế thực dân Pháp, nhân dân ta sống trong cảnh một cổ 2 tròng, Phát xít Nhật ra sức vơ vét sức người, sức của phục vụ cho chiến tranh xâm lược, chúng bắt nhân dân ta phá lúa trồng đay, phải bán thóc tạ cho chúng với giá rẻ như cướp không, làm cho nhân dân ta kiệt quệ, dẫn đến nạn đói khủng khiếp làm cả nước chết đói trên 2 triệu người, riêng ở xã nhà có 524 người bị chết trong thảm cảnh này. Ngày 3/2/1930 Đảng cộng sản Việt Nam ra đời là bước ngoặt vĩ đại của cách mạng Việt Nam. Từ đây dưới sự lãnh đạo của Đảng cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cách mạng Việt Nam dành được hết thắng lợi này đến thắng lợi khác, đi đến cách mạng tháng Tám năm 1945 thành công, lập nên nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.
Ở Hải Dương dưới sự lãnh đạo của Tỉnh uỷ lâm thời, phong trào cách mạng ở các địa phương phát triển mạnh mẽ. Ở Tứ kỳ dưới sự lãnh đạo của Huyện bộ Việt Minh, ngày 15/8/1945 quần chúng các xã xung quanh đã xông vào Phủ đường, bắt Tri Phủ Nguyễn Bá Ngà đầu hàng, thu triện bạ, mở kho thóc chia cho dân nghèo.
Ngày 22/8/1945 Chính quyền cách mạng lâm thời huyện Tứ Kỳ được thành lập, do ông Đỗ Huy Liêm làm Chủ tịch, dưới sự chỉ đạo của Uỷ ban cách mạng lâm thời và Huyện bộ Việt Minh, ngày 28/8/1945 nhân dân xã Báo Đáp và Quảng Bí, tập trung tại sân Đình tuyên bố xoá bỏ Chính quyền tay sai, thành lập Uỷ ban cách mạng lâm thời, các tổ chức quần chúng như Mặt trận Việt Minh, Nông dân, Thanh niên, Phụ nữ cũng được thành lập, để lãnh đạo động viên nhân dân xây dựng chế độ mới.
Cách mạng tháng Tám thành công, Chính quyền nhân dân được thành lập trong cả nước. Ngày 02/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc tuyên ngôn độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà. Nhân dân Việt Nam phấn khởi tự hào là công dân một nước độc lập, bắt tay vào xây dựng chế độ mới.
Với bản chất ngoan cố, thực dân Pháp chưa từ bỏ dã tâm xâm lược nước ta, một lần nữa chúng cấu kết với các thế lực phản động quốc tế và trong nước, hòng xoá bỏ Chính quyền cách mạng. Tình thế lúc này như ngàn cân treo sợi tóc ngày 03/9/1945 trong phiên họp Chính Phủ Hồ Chủ Tịch đề ra 3 nhiệm vụ lớn là (Diệt giặc đói, diệt giặc dốt và diệt giặc ngoại xâm).
Thực hiện chủ trương của Đảng, sự lãnh đạo trực tiếp của Huyện bộ Việt Minh Tứ Kỳ, Uỷ ban cách mạng lâm thời xã đã tổ chức, động viên nhân dân tăng cường đoàn kết giúp đỡ nhau, đẩy mạnh tăng gia sản xuất trồng các cây màu ngắn ngày, lập hũ gạo chống đói, tạm thu ruộng vắng chủ, công điền chia cho dân nghèo không có ruộng để sản xuất, nhờ đó chỉ trong một thời gian ngắn nạn đói được đẩy lùi.
Công tác chuẩn bị kháng chiến cũng được chuẩn bị ráo riết; các thôn thực hiện tiêu thổ kháng chiến, Đình, Chùa, các công trình xây dựng kiên cố phải rỡ bỏ, đường 17A đào thành rãnh hoặc đắp ụ, sông Đĩnh đào đóng cọc tre rào chắn để ngăn chặn xe cơ giới, ca nô địch cơ động. Ở Chợ, Đình, Chùa, dọc các đường cái đều đào hố cá nhân, hầm trú ẩn để phòng thủ phi pháo địch, các thôn Báo Đáp và Độ Trung lợi dụng hàng tre bao bọc quanh làng, đào đắp tường chiến đấu vững chắc, có giao thông hào, hố bắn. Cổng làng có dân quân ngày đêm canh gác. Nam nữ thanh niên hăng hái tham gia dân quân du kích, tích cực luyện tập quân sự, tuần tra canh gác bảo vệ an ninh trật tự thôn xóm.
Để tăng cường sự lãnh đạo của Đảng ở các địa phương, Huyện uỷ có Nghị quyết đẩy mạnh công tác phát triển đảng ở các cơ sở. Ngày 19/12/1946 ở Nghi Khê có 2 đ/c mới được kết nạp là đ/c Nguyễn Tiên Phả và Nguyễn Thế Sủng. Huyện uỷ cử đồng chí Vũ Đình Chiên về tham gia sinh hoạt và làm Bí thư chi bộ. Tháng 4/1947 chi bộ Quảng Nghiệp được thành lập do đồng chí Nguyễn Mạnh Hoè làm Bí thư. Đến cuối năm 1947 ở Báo Đáp có 2 đ/c, Độ Trung 4 đ/c, Quảng Giang 2 đ/c được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương.
Từ năm 1948 đến cuối năm 1949, đảng số chi bộ Duy Tân lên tới 175 đồng chí, ở Báo Đáp có 15 đ/c; Độ Trung 37 đ/c. Ở thôn Quảng Giang 15 đ/c được kết nạp ở chi bộ Quảng Nghiệp. Từ năm 1948 trở đi, sau khi đánh chiếm thị xã Hải Dương và các vùng phụ cận địch mở rộng chiếm đóng các xã bắc Gia Lộc. Đóng bốt Phương Điếm và một số vị trí ở bắc Tứ Kỳ. Từ các vị trí này địch thường xuyên bắn phá và tổ chức các cuộc càn quét xuống các xã phía nam Gia Lộc gây nhiều thiệt hại cho ta.
Ngày 03/6/1948 địch từ bốt Phương Điếm tiến đánh nhiều hướng về phía bắc Tứ Kỳ, nam Gia Lộc. Có một mũi địch đi theo hướng đường 17A, ven theo bờ sông Đĩnh Đào đánh vào thôn Báo Đáp nhằm thăm dò lực lượng ta. Do bị động lên nhân dân 2 thôn Báo Đáp và Độ Trung chạy ra đồng Quán tiên và bị địch nổ súng bắn chết 22 người, đ/c Vũ Đình Quất là du kích có nhiệm vụ theo dõi, bám sát địch bị chúng bắt đi mất tích. Thời gian này thế của địch đang mạnh, chúng dựa vào bọn phản động lập các bốt ở Ô mễ Xuân Nẻo, Bốt Nhà thờ Ngọc lý và một số địa phương để uy hiếp ta. Theo chủ trương của cấp trên, ngày 21/2/1950 tại Đình thôn Báo Đáp, đã làm lễ Thành lập bộ đội Huyện Tứ Kỳ, đơn vị được mang tên Đại Đội Nguyễn Huệ. Tháng 5/1950 sau khi lập được tề ở Nghi khê, Ngọc lâm, Linh mục Huy đa lý trưởng Hà Văn Tâm và Quản Tiếm trước đây chạy sang bốt Ngọc Lý về lập tề ở Báo Đáp, Độ Trung; Chúng lấy nhà Thờ Hóp làm trụ sở Ban tề, để củng cố bộ máy hành chính Tổng Ngọc Lâm. Chúng đưa Hà Văn Tâm làm chánh tổng, Lý Doanh làm phó chánh tổng.
Ở Tổng chúng lập một đội dõng được trang bị vũ khí mìn, lựu đạn, ở mỗi thôn có một tiểu đội dõng, vũ khí có súng trường, lựu đạn, mã tấu. Khi tác chiến có lính dõng tổng tăng cường. Ở bốt nhà thờ Hóp chúng tuyển mộ một số thanh niên vào đội lính dõng, chủ yếu là thanh niên công giáo trung thành với chúa. Khi đi càn quét chúng rất hung hăng, tàn bạo và gây nhiều khó khăn cho ta. Thời kỳ đầu mới lập tề, được bọn dõng ở Ngọc Lý hỗ trợ, chúng tổ chức nhiều cuộc càn quét vây lùng cán bộ, du kích, các xã Quảng Nghiệp, Dân chủ, Duy Tân gây nhiều thiệt hại cho ta.
Cơ quan lãnh đạo Đảng, Chính quyền, cán bộ, đảng viên, du kích phải tạm lánh xuống khu hạ Tứ Kỳ và Ninh Giang. Trước tình hình đó, Tỉnh uỷ, Huyện uỷ đã chỉ đạo phân công các đồng chí về bám đất, bám dân, xây dựng cơ sở chuẩn bị đánh địch giải phóng quê hương. Phát hiện cán bộ ta về làng địch tăng cường tuần tra canh gác, lùng sục vây bắt. Đồng chí Đàm Đình Đảm, đảng viên ở Báo Đáp về liên lạc với cơ sở bị địch bắt được. Mặc dù bị địch tra tấn dã man, đồng chí vẫn giữ vững ý trí kiên quyết không khai báo, sau bị địch đem đi mất tích. Vào thời gian này Tỉnh uỷ chủ trương mở rộng khu E nối liền giao thông Bắc Tứ Kỳ, Nam Gia Lộc với Ninh Giang, xác định xã Duy Tân là một trọng điểm. Sau một thời gian chuẩn bị Ban chỉ đạo quyết định tổ chức đánh bốt dõng Nghi Khê và dõng nhà thờ Hóp. Sau 2 lần tổ chức đánh bốt dõng nhà thờ Hóp không thành, phía ta có 8 đ/c bộ đội hy sinh, 5 đ/c du kích bị thương, Ban chỉ đạo khu E đã họp rút kinh nghiệm, củng cố lực lượng chuẩn bị cho trận đánh tiếp theo.
Về phía địch thấy ta đánh mạnh, bọn chúng hoang mang lo sợ, giảm bớt lùng sục, càn quét, một số trương tuần, lính dõng ngả theo ta nhận làm nhân mối, cung cấp tình hình cho cán bộ. Tuy địch kìm kẹp, kiểm soát gắt gao nhưng ở thôn Báo Đáp, Quảng Giang ta vẫn làm chủ được tình hình. Nhân dân vẫn đóng góp ủng hộ kháng chiến. Cán bộ, đảng viên ban đêm vẫn về tuyên truyền xây dựng cơ sở, họp bàn chuẩn bị các trận đánh.
Sau một thời gian điều tra nghiên cứu bắt nhân mối, ta tổ chức đánh bốt dõng Hóp lần thứ 3. Rút kinh nghiệm 2 trận đánh trước, lần này ta thực hiện yếu tố bí mật, bất ngờ, sử dụng lực lượng một trung đội Nguyễn Huệ, cán bộ du kích xã. Đêm 19 rạng sáng ngày 20/01/1951 ta đưa các lực lượng bí mật vào bố trí áp sát bốt. Khi trời sáng địch thấy im ắng bình thường, một số lính dõng tổng đi về phía Nghi Khê, các tên khác về nhà hoặc đi làm đồng. Khi ta phát lệnh tấn công, địch hoảng hốt bỏ chạy, ta nhanh chóng chiếm nhà thờ và tháp canh, cắm cờ báo hiệu chiến thắng. Trận này ta thắng nhanh, gọn, an toàn. Diệt 3 lính dõng, 1 tên tự sát, bắt sống 2 tên cầm đầu là Chánh Tâm, Quản Tiếm. Do bố trí sơ hở một số tên cầm đầu chạy thoát về bốt Ngọc Lý. Thừa thắng ta tiến lên giải phóng Nghi Khê, Ngọc Lâm…Quê hương được giải phóng nhân dân phấn khởi bắt tay vào ổn định cuộc sống, khôi phục kinh tế.
Chi bộ Duy Tân tổ chức kiểm điểm kết quả lãnh đạo thời gian qua, củng cố kiện toàn tổ chức biểu dương những đảng viên trung kiên, lập được nhiều thành tích trong chiến đấu, kiểm điểm những đảng viên giao động, bỏ nhiệm vụ. Phục hồi, giao nhiệm vụ cho những đảng viên có khuyết điểm đã sửa chữa lập công, xử lý kỷ luật hoặc khai trừ khỏi đảng những đảng viên thoái hoá, biến chất làm tay sai cho địch. Các tổ chức đoàn thể cũng được củng cố kiện toàn tiếp tục hoạt động. Lực lượng dân quân du kích được củng cố biên chế, tổ chức huấn luyện tăng cường canh gác sẵn sàng chiến đấu chống địch càn quét, bảo vệ tính mạng, tài sản cho nhân dân.
Vào những năm 1951 - 1952 sau khi tập trung quân đánh lên Hoà Bình bị thất bại, địch quay về bình định đồng bằng, ở Hải Dương chúng tiến hành mở nhiều cuộc càn quét lớn để mở rộng vùng chiếm đóng. Từ năm 1951 chúng đóng ở Bốt Sài, Bốt Mạc, bốt Đò Bía để bảo vệ đường 17A, dựa vào bốt Đò Bía chúng xây dựng tháp canh trong làng lập đội lính dõng, trang phục quần áo đen để kìm kẹp nhân dân. Ở Độ Trung bọn phản động lưu vong trở về lập tề đóng trụ sở tại nhà thờ Hóp.
Tuy bọn phản động ra sức kìm kẹp nhân dân, lùng bắt cán bộ, đảng viên du kích hoạt động. Các đảng viên, quần chúng trung kiên vẫn bám đất, bám dân lãnh đạo nhân dân đấu tranh với địch như: Đ/c Nguyễn Đình Quả, ông Nguyễn Đình Nhuyễn và số đ/c khác ở Thôn Độ Trung, Báo Đáp; Đ/c Lê Đình Tháng bí thư chi bộ, đ/c Lê Đình Sếu chi uỷ viên và một số đ/c khác ở Quảng Giang; tiêu biểu như đ/c Trương Đình Hàm cán bộ giao thông xã, mặc dù địch thường xuyên phục kích, lùng sục vẫn giữ vững đường dây liên lạc thông suốt. Trong một lần trên đường đi công tác đ/c bị địch bắn chết tại cánh đồng thôn Quảng Giang.
Để phối hợp với các chiến trường chính, theo chỉ đạo của Tỉnh uỷ, các địa phương đẩy mạnh tiến công địch, làm cho địch hoang mang dao động. Ngày 7/2/1952 bọn dõng nhà thờ Hóp được lệnh rút chạy về bốt nhà thờ Ngọc Lý. Đêm ngày 9/2/1952 một tiểu đội bộ đội Nguyễn Huệ, cùng với du kích xã bất ngờ tấn công bắt sống toàn bộ lính dõng trong làng Bía, trong đó có 2 tên cầm đầu.
Theo chỉ đạo của Huyện uỷ ta xóa bỏ Tề ở Báo Đáp, Độ Trung. Riêng thôn Quảng Giang tuy vẫn giữ hình thức tề, nhưng do ta hoàn toàn làm chủ. Vào giai đoạn cuối năm 1953 đầu năm 1954 địch bị ta tổng phản công trên các chiến trường, ở các Bốt Mạc, Đò Bía bị ta bao vây phục kích đẩy chúng vào thế bị động, không dám ra ngoài càn quét như trước, chúng phải dùng máy bay tiếp tế.
Sang năm 1954 địch tiếp tục bị thất bại nặng nề trên khắp các chiến trường, đặc biệt là chiến dịch Điện Biên Phủ. Chi bộ đã lãnh đạo các lực lượng vũ trang phối hợp với các đoàn thể vừa tiến hành bao vây, phục kích, vừa binh vận kêu gọi binh lính bỏ ngũ về với gia đình, làm cho địch càng hoang mang giao động. Ở bốt đò Bía có 7 lính ngụy đem theo súng ra hàng. Ngày 20/7/1954 Hiệp định Giơ Le Vơ được ký kết, ngày 30/10/1954 tên lính cuối cùng rút khỏi đất Tứ Kỳ.
Hoà bình lập lại nhân dân vô cùng phấn khởi bắt tay vào ổn định cuộc sống, giúp đỡ nhau sửa sang nhà cửa, khai hoang phục hoá đẩy mạnh sản xuất. Năm 1952 xã nhà tiến hành giảm tô. Năm 1956 bắt đầu thực hiện cải cách ruộng đất, nông dân nghèo được chia ruộng. Theo quyết định của cấp trên, ngày 10 tháng 6 năm 1956 xã Đại Hợp được thành lập gồm 3 thôn: Báo Đáp, Độ Trung, Quảng Giang, Ông Nguyễn Đình Diễm được bổ nhiệm làm Chủ tịch UBHC xã. Dưới sự lãnh đạo của Huyện uỷ, chi bộ đã lãnh đạo ổn định tình hình, cùng với số đảng viên mới kết nạp, một số đảng viên cũ được phục hồi, một số đảng viên bộ đội về phục viên, nâng tổng số đảng viên trong chi bộ lên tới 33 đ/c; đ/c Nguyễn Xuân Giao được bầu làm bí thư chi bộ. UBHC xã cũng được kiện toàn, đ/c Nguyễn Đình Miễu phó bí thư chi bộ được bổ nhiệm làm Chủ tịch xã, các tổ chức chính trị - xã hội cũng được củng cố, kiện toàn.
Thực hiện chủ trương của Đảng và Nhà nước, chi bộ đã lãnh đạo nhân dân tiến hành khôi phục kinh tế và cải tạo XHCN, trọng tâm là xây dựng HTX nông nghiệp. Mùa thu năm 1958 thành lập HTX nông nghiệp đầu tiên ở xóm Tiền Phong, đ/c Đàm Đình Tràng làm Chủ nhiệm, sau một năm hoạt động có hiệu quả, chi bộ lãnh đạo phát động các thôn vận động nông dân vào con đường làm ăn tập thể. Đến cuối năm 1960 toàn xã đã hoàn thành kế hoạch HTX nông nghiệp, các HTX sản xuất có hiệu quả, năng suất cao, đời sống bước đầu được cải thiện rõ rệt.
Từ năm 1960 chi bộ lãnh đạo, chỉ đạo UBHC và HTX nông nghiệp, tập trung lực lượng lao động quy hoạch cải tạo đồng ruộng, đào đắp mương máng, bồi chúc đê sông đĩnh đào dài 4.500 m, trong hệ thống bắc Hưng Hải, đắp mở rộng đường liên Huyện từ Quán Ngái đi ngã Tư mắc, kết hợp đào mương dẫn nước vào ruộng đoạn qua cánh đồng Độ Trung dài 1.500 m, đào sông dẫn nước ven đường 17 A từ Quán Ngái đến cầu Bía dài 1.400 m tạo thuận lợi cho công tác tưới, tiêu ở các thôn.
Để hỗ trợ cho sản xuất nông nghiệp phát triển, năm 1957 HTX Tiến dụng và HTX mua bán cũng được thành lập. Cùng với việc lãnh đạo chăm lo phát triển kinh tế, chi bộ quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo các ngành Y tế, Giáo dục, văn hoá Xã hội.. Năm 1957 Trạm Y tế được thành lập đ/c Hà Văn Lũng làm trưởng trạm, trạm được tăng cường thêm nhân viên đáp ứng được yêu cầu khám, chữa bệnh cho nhân dân.
Về giáo dục: Từ khi hoà bình lập lại xã chỉ có mấy lớp dạy vỡ lòng, năm 1957 Ty giáo dục cử thầy Nguyễn Minh Huệ về mở trường phổ thông cấp 1, năm học 1959 - 1960 Ty giáo dục cử thầy Trần Văn Lưu về mở trường phổ thông cấp 2 cụm 4 xã..
Về thể thao: thôn nào cũng có đội bóng thường xuyên luyện tập, thi đấu nội bộ hoặc giao hữu với các xã bạn. Riêng thôn Báo Đáp luôn có đội bóng chuyền mạnh thường dành các giải cao trong những kỳ thi đấu với các đội trong Huyện, năm 1984 đội bóng chuyền thôn Báo Đáp được xã và Huyện cử đi thi đấu giải Công nông binh do Tỉnh tổ chức, đạt giải 3 được thưởng Huy chương đồng.
Trong giai đoạn chống Mỹ cứu nước, Đảng bộ và nhân dân xã nhà vừa ra sức xây dựng quê hương vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại bằng không quân của địch. Dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ phát huy truyền thồng cách mạng “ Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người”, Đảng bộ đã phát động mạnh mẽ phong trào “ Thanh niên 3 sẵn sàng” “ Phụ nữ 3 đảm đang”, Phong trào “3 giỏi, 3 nhất, chắc tay cày hay tay súng” và nhiều phong trào khác được đẩy mạnh tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược, hàng trăm người con của Đại Hợp đã lên đường cầm súng đánh giặc, cùng hàng trăm thanh niên xung phong, dân công hoả tuyến, hàng ngàn ngày công được huy động phục vụ chiến đấu, hàng trăm tấn lương thực, thực phẩm chi viện cho chiến trường. Những người ở hậu phương ra sức tăng gia sản xuất thi đua cùng với tuyền tuyến đánh giặc lập công.
Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã làm tròn nghĩa vụ hậu phương đối với tuyền tuyến lớn, vừa chiến đấu vừa phục vụ chiến đấu, vừa phát triển sản xuất vừa xây dựng Chính quyền, giữ vững an ninh trật tự, góp phần cùng cả nước làm nên chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử giải phóng hoàn toàn Miền Nam thống nhất đất nước.
Nhìn lại chặng đường chiến đấu đầy cam go gian khổ mà chúng ta đã kiên cường vượt qua, Đảng bộ và nhân dân Đại Hợp có quyền tự hào về những chiến công đóng góp của mình cho cách mạng. Tổng kết 2 cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc và bảo vệ xây dựng Tổ quốc, xã nhà có 415 thanh niên tham gia quân đội chiến đấu trên các chiến trường và làm nhiệm vụ quốc tế: Trong đó có 131 liệt sỹ, 88 người là thương binh, 9 bà mẹ Việt Nam anh hùng, 11 chiến sỹ cách mạng bị tra tấn tù đầy. Để ghi nhận công lao của cán bộ, nhân dân xã nhà đóng góp cho kháng chiến, Đảng và nhà nước đã tặng thưởng Huân, Huy chương kháng chiến các loại cho 729 người, 54 người được tặng Bằng khen của Chính phủ, 18 người được tặng Bằng khen của Chủ tịch UBND Tỉnh và nhiều Huân, Huy chương và Bằng khen các loại khác.
Trong thời kỳ đổi mới, phát huy truyền thống đoàn kết thống nhất, Đảng bộ và nhân dân xã nhà đã kiên cường phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách luôn vững vàng kiên định, chủ động sáng tạo trong thực hiện chủ trương đường lối của Đảng, Chính sách Pháp luật của Nhà nước, vận dụng linh hoạt tình hình thực tế của địa phương, để tổ chức triển khai thực hiện các nhiệm vụ phù hợp với từng giai đoạn, đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội. Qua tổng kết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ XXVII nhiệm kỳ 2015 - 2020, sơ kết giữa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã lần thứ 28, nhiệm kỳ 2020- 2025 kinh tế luôn đạt tăng trưởng bình quân hàng năm 11,76%, Trong đó nông nghiệp tăng 38,9%, công nghiệp, xây dựng tăng 29,1 %, dịch vụ thương mại tăng 32%. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện nâng lên năm 2022 thu nhập bình quân đầu người tăng lên 65 triệu đồng.
Xây dựng cơ sở vật chất được phát triển, các công trình phúc lợi xã hội công cộng, cùng với kinh phí cấp trên hỗ trợ trong 10 năm (2012 - 2022) đã vận động nhân dân đóng góp hàng trăm tỷ đồng để xây dựng trên 20 km đường giao thông nông thôn theo tiêu chí nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao. Xã đầu tư hàng trăm tỷ đồng xây dựng trên 50 phòng học, phòng bộ môn, nhà hiệu bộ, công trình phụ trợ cho các nhà trường. Xây dựng mới Hội trường, nhà văn hóa trung tâm xã, tu sửa, nâng cấp nghĩa trang Liệt sỹ xã, Trạm y tế xã, hoàn thành xây dựng 4 điểm di tích lịch sử trên địa bàn xã. 100% số hộ được dùng nước sạch, 100% các thôn đã có nhà văn hoá, các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo đều được nâng cấp, mở mang. Phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư được phát triển, các hoạt động văn hoá, văn nghệ diễn ra sôi nổi, hàng năm có từ 80 đến 90% số hộ gia đình đạt gia đình văn hoá; 100% các thôn đạt và giữ vững hiệu Làng văn hoá. Thực hiện chủ trương của đảng về công nghiệp hóa nông nghiệp nông thôn, Đảng bộ lãnh đạo nhân dân dồn điền, đổi thửa chỉnh trang đồng ruộng thành công tạo điều kiện thuận lợi cho việc cải tạo giao thông thủy lợi, đưa máy móc vào đồng ruộng.
Công tác giáo dục tiếp tục được phát triển, chất lượng đội ngũ cán, bộ giáo viên được nâng cao, đạt theo yêu cầu chuẩn hoá, duy trì được phổ cập. Phong trào khuyến học, khuyến tài được phát triển hoạt động có hiệu quả các nhà trường đều được công nhận trường đạt chuẩn Quốc gia, trường Mầm non đạt chuẩn Quốc gia mức độ 2. Công tác y tế, dân số kế hoạch hoá gia đình được quan tâm, trình độ chuyên môn, tinh thần phục vụ của đội ngũ làm công tác y tế được đảm bảo, các Chương trình Quốc gia về y tế luôn thực hiện triệt để. Năm 2006 xã được trên công nhận đạt 10 chuấn quốc gia về y tế, từ đó đến nay luôn giữ vững và phát huy có hiệu quả.
An ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội được giữ vững, hoàn thành nhiệm vụ quân sự quốc phòng địa phương, các tổ chức Đảng, Chính quyền, các Ban ngành đoàn thể nhiều năm đạt vững mạnh, bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới khang trang.
Kính thưa toàn thể nhân dân
Trong các cuộc kháng chiến lâu dài và anh dũng của dân tộc cũng như trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đảng bộ Đại Hợp luôn tỏ rõ bản chất của đội quân tiên phong của giai cấp công nhân, luôn xứng đáng là lực lượng lãnh đạo phong trào cách mạng của quần chúng nhân dân, trong lãnh đạo thực hiện các nhiệm vụ được giao, yếu tố quyết định tạo nên những kết quả đó là sự lãnh đạo của Đảng bộ, quán triệt quan điểm chỉ đạo của Trung ương phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm, xây dựng Đảng là nhiệm vụ then chốt. Đảng bộ luôn quan tâm chăm lo xây dựng Đảng trên các mặt “Chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ” coi trọng xây dựng Chính quyền, MTTQ và các tổ chức đoàn thể vững mạnh.
Trong quá trình đấu tranh cách mạng Đảng bộ đã không ngừng trưởng thành, phát triển về mọi mặt, từ một chi bộ lúc đầu thành lập có 10 đảng viên, đồng chí Nguyễn Thị Cắm được bổ nhiệm là Bí thư chi bộ, đến nay Đảng bộ có 246 đảng viên sinh hoạt ở 9 chi bộ, đó là những hạt nhân tiêu biểu trong quá trình lao động sản xuất, chiến đấu và công tác ở địa phương.
Có thể khẳng định rằng quê hương Đại Hợp nghèo nàn lạc hậu xưa kia đến nay đang từng ngày được khởi sắc. Thành công ấy chính là quá trình nắm vững đường lối, chủ trương của Đảng, vận dụng linh hoạt, sáng tạo vào điều kiện cụ thể của địa phương, đề ra nhiệm vụ, kế hoạch, giải pháp phù hợp để lãnh đạo nhân dân thực hiện các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Suốt chặng đường 67 năm qua Đảng bộ, Chính quyền xã Đại Hợp không những lớn mạnh và trưởng thành, qua các thời kỳ xây dựng và phát triển kể cả những lúc khó khăn ác liệt nhất, hầu hết cán bộ, đảng viên đã một lòng, một dạ trung thành với Đảng, với chủ nghĩa Mác Lê Nin và tư tưởng Hồ Chí Minh, phát huy tính tiền phong gương mẫu đi đầu trong thực hiện các phong trào cách mạng của địa phương. Sự đổi mới của quê hương Đại Hợp là kết quả của sự bền bỉ phấn đấu không ngừng của các thế hệ cán bộ, đảng viên, kết quả đóng góp công sức, trí tuệ của các tầng lớp nhân dân trong xã.
Tự hào về truyền thống vẻ vang suốt chặng đường 67 năm qua vững bước tiến vào sự nghiệp đổi mới của Đảng. Đảng bộ, Chính quyền, các tầng lớp nhân dân Đại Hợp, tiếp tục đoàn kết thống nhất, tập trung mọi nguồn lực đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xác định quyết tâm tìm ra các giải pháp thực hiện có hiệu quả, tập trung xây dựng Đảng và hệ thống chính trị ngang tầm với nhiệm vụ; kịp thời giải quyết những khó khăn vướng mắc. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI về “một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” và Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII của Đảng về “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng ngăn chặn và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” trong nội bộ; Kết luận số 21 của Bộ chính trị về xây dựng chính đốn Đảng. Mỗi cán bộ, đảng viên, đoàn viên, hội viên trong các tổ chức chính trị - xã hội và người dân tích cực chủ động đăng ký học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cam kết thực hiện tốt Nghị quyết của Đảng và các chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã Đại Hợp lần thứ XXVIII, nhiệm kỳ 2020- 2025 đã đề ra xây dựng quê hương Đại Hợp ngày càng giàu đẹp, văn minh.
| Ban Tuyên Giáo Đảng ủy xã Đại Hợp |